| Nỗi nhớ mang theo |
Những giòng này viết riêng cho lớp 12 A1, niên khóa 78-80 và riêng cho một người với hy vọng Đại hội Nguyễn Trãi thế giới năm 2012 sẽ mang hộ tôi lời nhắn: Dù thời gian có cuốn đi tuổi thanh xuân, nhưng tuổi học trò thơ ngây của năm 16, 17 vẫn còn trong tâm thức mỗi khi nghĩ đến
Tôi nhớ về trường cũ nhớ bạn bè ngày xưa. Sân trường áo trắng nơi ôm ấp mộng mơ, hoài bão, xôn xao tuổi ô mai... Hơn ba mươi năm chưa một lần trở về trường. Cánh cổng ố vàng mỗi ngày dang tay đón lũ học trò tinh nghịch. Dãy lớp học với hành lang dài, từng vuông cửa nhìn ra sân trường ngập nắng và đâu đây tiếng guốc khua vang trên những bậc thang dẫn vào lớp học, đã trở về làm sống lại kỷ niệm êm ái, ngọt ngào trong khuôn viên trường Trung học Nguyễn Trãi dấu yêu.
Mười lăm tuổi tôi rời trường Trung học cấp I Nguyễn Khoái (ngôi trường công lập dành cho nữ sinh trong quận 4, từ lớp 6 đến lớp 9), lo lắng bỡ ngỡ bước chân vào trường cấp III Nguyễn Trãi, nơi tôi sẽ học chung với cả nam sinh suốt 3 năm. Những trò chơi thắt vạt áo dài lên lưng quần đá cầu, nhảy dây ,chơi u … tự nhiên biến mất, để cho đôi mắt bắt đầu nhìn ngắm, làm quen với khuôn viên trường mới kèm thoáng lo âu dù vẫn còn nhóm bạn cũ được xếp vào cùng lớp. Tôi chọn dãy bàn thứ hai, bên tay trái đối diện bàn của thầy cô. Tôi học không xuất sắc lắm nhưng không đến nỗi tệ phải nép mình nơi xóm “nhà lá”. Dãy bàn bên kia chiến tuyến là nhóm húi cua, một nhóm “bắc kỳ”, hay ồn ào chọc phá, đã mấy lần làm cho tôi muốn khóc. Riêng có một người ít nói, đi học bao giờ cũng tươm tất, phù hiệu, áo bỏ vô quần hẳn hoi. Lớn hơn các bạn gần hai tuồi, cách hành xử khôn khéo thông minh của anh đã chinh phục mọi người để cả hai nhóm nhà lá quậy phá và nhóm cần cù chăm học lại gần với nhau. Bạn bè học cùng lớp, dù không nói ra nhưng bọn con gái chúng tôi ngấm ngầm cho rằng mình thông minh, già dặn hơn đám con trai chung lớp, nên đâu có chuyện gọi bằng anh. Vậy mà với trưởng lớp Huỳnh Tấn Linh tự nhiên mọi luật lệ đều thay đổi hết. Tôi tự nhiên cho mình là cô em út, có thêm một ông anh trong lớp học càng vui. Thỉnh thỏang tôi vẫn bị anh “lên lớp“ mỗi lần cúp cua giờ tập thể dục toàn trường. Thời đó, trước giờ ra chơi tất cả học sinh phải xuống sân trường tập 24 động tác thư giãn theo tiếng đếm trên loa phóng thanh. Tôi cho là dị hợm nên không thích, viện đủ lý do để ở lại lớp ngắm mây trời để rồi tình cờ quen với anh chàng học bên ban toán. Có lẽ ở nhà bao nhiêu giấy trắng Th. gom hết đóng thành tập thơ, vẽ những nàng tiên, vẽ ánh trăng 16, và mỗi ngày nắn nót viết một bài thơ của những thi sĩ mà Th. thích, đem qua lớp học tặng tôi. Dưới mỗi bài thơ, tôi ghi lại những ý nghĩ lém lỉnh, tinh nghịch nhưng không kém phần mơ mộng vu vơ. Tôi hỏi Th. mê thơ sao học toán? Th. nói vẫn mê toán nhưng cảm ơn tôi đã mang thơ vào trường Nguyễn Trãi. Tựu trường vào tháng 9, đến cuối năm thì mấy chị phát giác tập thơ giấy trắng học trò, nói tôi còn nhỏ nên chú tâm vào việc học thay vì mất nhiều thời giờ qua lại vẩn vơ với “tên nhóc” chưa biết làm thơ, chỉ chép lại thơ của người ta gởi cho tôi. Vậy mà tôi nghe lời các chị, mang tập thơ chép tay trả lại Th. Tôi nhớ hoài giờ chơi hôm đó Th. sai đứa bạn thân mang lá thư “đoạn tuyệt tình bạn năm 16“ trao tôi. Giờ nghĩ lại đúng là con nít thật. Giá như Th. cứ giả ngơ tiếp tục chép thơ gởi cho tôi, biết đâu tôi sẽ tiếp tục nhận mà không thèm “khai báo” với chị tôi. Từ đó không bao giờ tôi còn gặp mặt người bạn “tuổi hoa tím” ngày xưa nữa. Sáu năm sau, trong ngày cuối tháng 6/1983 có người lạ mang đến nhà trao cho tôi món quà lưu niệm, kèm lời chúc tôi lên đường rời quê hương may mắn, bình an. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc làm sao Th. biết tôi đi Mỹ với chừng ấy năm không liên lạc? Hành lý đã gởi trước, tôi không mang theo được món quà, đành tặng lại cho cô em họ. Dường như những mẩu đối thoại ngắn ngủi ngoài cửa lớp, những bài thơ ngày cũ chỉ gợi trong tôi một thoáng buồn vu vơ của tuổi trăng tròn 16, làm đẹp thêm thời trung học, rồi như ánh trăng tan…
Tuổi hồn nhiên không vấn vương lâu, nhất là ngồi trong lớp học tưng bừng văn nghệ. Nhờ cây đàn guitar của anh Linh và Mạnh Cường mà ba dãy bàn từ nhà ngói đến nhà lá thương nhau hết biết. Anh Linh bao che cho xấp nhỏ đóng kín cửa lớp hát “nhạc vàng”, nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An ...Trong nhóm có ba người cùng tuổi, cùng tên là: Phạm Duy Vân Hồng, Nguyễn thị Thu Hồng A dành cho tôi, phân biệt với Nguyễn thị Thu Hồng B. Còn có Bích Nga, Kim Tuyết cùng mê hát, bỏ cả ăn quà vặt vào giờ ra chơi nên đứa nào cũng gầy nhom!
Mỗi lần thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt, anh Linh lại bận rộn chia nhóm cho cả lớp học thi, đi thuyết phục nhóm nhà lá gắng lên để cả lớp không ai bị ở lại. Nhà đứa nào cũng nghèo rớt mùng tơi, nên chỉ với vài trái cóc ngâm, mấy viên xí muội của ông anh mang tới là đủ rơm rả buổi học. Cuối năm học cả lớp kéo nhau đi Thảo Cầm Viên, có anh Linh vác đàn theo. Sau mùa hè năm lớp 11, nhóm tôi đã mất Thu Hồng B- đóa hoa rực rỡ, xinh tươi nhất. 17 tuổi, tôi ngấm nỗi đau mất bạn. Cả nhóm lần đầu tiên cùng khóc bên nhau, tiễn đưa người bạn gái ra đi quá sớm. Cây đàn bị bỏ quên trong góc lớp, không có tiếng hát nào trong giờ ra chơi từ lúc mất Hồng B. Anh Linh có lần ký đầu tôi nhắc nhở, muà hè cuối rồi đó nhỏ …
Tôi bắt đầu mơ nếu biết đàn, đêm đêm tôi sẽ vừa đàn vừa hát hay đàn cho chị L. tôi hát nhạc TCS. Tôi bèn nhờ Trọng - cũng học NT trước tôi hai lớp, là đứa em con của dì tôi. Sau khi Trọng giúp mua đàn, tôi tự nhủ sẽ cố học đàn cho bằng được. kèm theo cây đàn là quyển sách Tự học Tây ban cầm “bảy ngày, bảy đêm bảo đảm biết đàn”! Chị L. tôi cười như chưa bao giờ, trong khi tôi tràn trề hy vong. Mới khảy được 3 hôm … Ba tôi từ xa đi làm về, nhìn thấy cây đàn trong xó bếp bèn mang ra đập vỡ tan tành. Những giọt nước mắt của tôi ngày ấy có làm cho ba tôi xa xót, chạnh lòng, nhưng ông vẩn giữ thái độ cứng rắn để ngăn ngừa, như đã từng làm với các anh chị lớn của tôi ngày trước.
Hai cây phượng ở sân trường bắt đầu đỏ ối. Tôi giật mình, đã 3 năm học ở trường Nguyễn Trãi rồi ư? Nhớ khi rời trường Nguyễn Khoái tôi giống như cánh diều bị đứt dây, chao đảo, hoang mang như bị rớt xuống nơi chốn chẳng an toàn vì có “con trai“. Ba năm học trôi nhanh với bao kỷ niệm khó quên. Lũ con gái chúng tôi đã được anh Linh, Mạnh Cường, Hải Chi, Linh Hồng, Hoàn Cầu và nhiều nhiều nữa những người bạn húi cua luôn chiều chuộng đám con gái ngồi chung lớp. Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, tôi được xếp qua thi ở trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày thi đầu sau khi nộp bài cho ban giám khảo tôi bị “xỉu “ vì học suốt đêm và lo lắng không ăn uống nổi. Gục đầu xuống bàn, tôi tủi thân quá đỗi vì bên cạnh chẳng có ai quen. Đến lúc gượng dậy đi về, lếch thếch dắt xe ra cổng, gặp Mạnh Cường, tôi òa khóc, làm anh chàng hoảng hốt “Thu Hồng A sao vậy ? cần Mạnh Cường giúp gì không ? ’’. Chân của MC có tật từ lúc nhỏ, đi đứng không thăng bằng, vậy mà một tay dắt xe đạp của mình, tay kia Cường dắt xe tôi rồi đón xích lô cho tôi về nhà. Anh em chúng tôi cùng lớp thương quý nhau như vậy đó, làm sao tôi có thể quên.
Thời gian vụt trôi nhanh, anh em chúng tôi tứ tán phân ly. Đứa lên rừng, đứa ra biển, đứa trôi dạt xứ người, đứa ở lại sống đời ảm đạm nhưng tình thương cho nhau vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Bên nhà dù bận rộn thế nào, Tết đến cả nhóm vẫn họp mặt ở nhà Bích Nga và mỗi năm đi du lịch chung với nhau một lần (có ông bầu Trần Huỳnh Hải Chi lo phần du lịch). Bây giờ ai cũng bầu đoàn thê tử, chỉ có Lan Hương vẫn độc thân nên được cả nhà chiều chuộng. Bích Nga trên phone vẫn vui vẻ, hồn nhiên như mới hôm qua. “ Về thăm VN đi Hồng A! Lớp mình vui lắm, duy chỉ anh Linh là tội nhất. Nhà nghèo, mùa mưa nước dâng lên tận đầu gối, nhưng vẫn tươi cười, hóm hỉnh, lạc quan. Vẫn còn đó người anh tận tụy của thời đi học, cả bọn mình phải ráng lo cho anh ấy, bù lại ngày xưa cả lớp làm khổ ảnh, đúng không ?”
Nổi trôi, phiêu bạt hơn 30 năm, giờ tôi đã tìm ra đường về lớp cũ trường xưa. Không bằng những chuyến bay, nhưng bằng tình thương vượt không gian lẫn thòi gian. Cảm ơn Mạnh Cường và Anh Linh vẫn còn giữ lại những hình ảnh cũ, có gương mặt má phính xấu tệ thuở mười sáu của Thu Hồng A thuở đó.
Thu Hồng (NT78-80)