Saturday, January 7, 2012

Trang sưu tầm những truyện ngắn hay

               
VẠT NẮNG SÂN CHÙA


Neten Rinpoche- Người ta thường cho thày là một vị Tulku, chỉ cho những vị đã từng tu tập từ đời trước và có nguyện trở lại tái sanh trong cõi người. Do sự kính mến, ngoài cái pháp danh của thày là Neten, họ thường kèm theo chữ "Rinpoche" (có nghĩa là cao quý). Neten có phong tư rất hiền hòa và từ bi, thày có nhiều Phật tử, và những buổi lễ lớn thày ban thường có rất nhiều tín chúng tới tham dự.

Năm lên bảy. Một vị sư già đi ngang và quả quyết Neten là một vị Lama đã từng tu tập nhiều kiếp, nay có nguyện tái sinh trở về cõi người này. Sư còn bảo, trong tương lai, nếu Neten chọn đi trên con đường đời sẽ là một người rất thành công, còn nếu đi theo con đường tu hành thì sẽ trở thành một vị đại đạo sư nổi tiếng. Cha mẹ Neten rất hoan hỷ khi nghe tin này, lập tức họ đưa Neten đến một tu viện lớn nổi tiếng của người Tây Tạng ở Ấn và xin cho Neten được xuống tóc, quy y. Neten nhớ rõ lòng mình lúc ấy. Thật bồi hồi, sung sướng và xúc động tới độ không thể cầm được nước mắt.

Quả nhiên, thày rất thông minh, tựa như người đã từng học qua, nay chỉ ôn lại mà thôi. Dụ như một đoản kinh rất khó nhớ, đối với các vị tu sĩ khác cần phải một thời gian dài mới có thể lãnh hội được thì đối với Neten, chỉ khoảng vài ngày thày đã hiểu cặn kẽ và thuộc lòng. Vị bổn sư của thày rất hài lòng về việc đó, càng quý mến và kỳ vọng ở Neten nhiều hơn nữa.

Năm mười bốn tuổi, Neten thọ giới tỳ kheo. Năm hai mươi hai tuổi, thày xong bằng tiến sĩ Phật học (sau khi đã trải qua tất cả những sự thử thách và tranh luận). Thày được hội kiến với đức Dala Lama nhiều lần. Năm ba mươi tuổi, thày bắt đầu đi khắp nơi thuyết pháp ... Danh thày nổi như cồn, tín chúng còn gọi thày bằng một cái tên Lama thân mến...

Dòng đời cứ xuôi chảy...

Một hôm, thày bổn sư muốn ủy nhiệm Neten đến trụ trì một ngôi chùa mới xây ở tận một tiểu bang xa xôi bên nước Mỹ. Tâm thày dường như không vui. Có lẽ thày không muốn xa vị bổn sư mình. Ngoài lý do đó, hình như còn một lý do nào mà thày chưa biết rõ, chỉ thấy tâm xao động, mà sự sao động đó thày không sao dằn được. Chẳng biết điều lành hay dữ. Tối đó, thày ngồi nhập định, xem xét tìm hiểu nguyên nhân. Thày chỉ thấy một đám mây đen lởn vởn trên bầu trời. Nó mờ nhòa, không rõ. Chỉ biết sẽ có điềm họa sắp đến, mà chẳng biết đó là điềm gì. Định bụng, sáng ra thưa với thày bổn sư xin được ở lại học tiếp và xin ngài ủy nhiệm một vị khác. Nhưng, ngẫm nghĩ, nếu đó là nghiệp quả phải trả, thì cũng nên dứt khoát trả hết trong kiếp này... Vì ý nghĩ đó. Thày quyết định tuân hành bổn sư mình ..

*

Phái đoàn đi đón Neten Rinpoche ngoài phi trường gồm năm người. Ba nam, hai nữ. Họ đứng thành hàng dọc dâng tấm khăn trắng (một truyền thống của Tây Tạng khi gặp một vị Lama đạo hạnh). Thày nhận khăn rồi lần lượt quàng lại lên cổ để ban phước lành cho người dâng khăn. Tới người cuối cùng là một nữ nhân. Dù không nhìn rõ mặt, vì nàng dâng tấm khăn lên ngang mày . Thày chỉ nhìn thấy đôi bàn tay trắng mịn với những ngón thon dài, nhưng thày cũng nhận ngay rằng, đây chính là điềm họa cho mình. Thày hơi khựng lại một thoáng. Nhưng, tâm trở lại bình tĩnh, thày khẽ nhận khăn rồi choàng lại lên cổ nàng. Lập tức, nàng chắp hai bàn tay vào nhau, khuôn mặt nhìn xuống, lưng hơi khom lại tỏ một thái độ cung kính. Thấp thoáng, thầy thấy một khuôn mặt son trẻ, với đôi mắt đen nhánh như mắt con chim câu... Nàng khá đẹp. Nét đẹp dịu dàng của dân gốc Á. Mái tóc dài, mướt như một dòng suối. Trông nàng có một nét rất quen thuộc nào đó, nhưng tuyệt nhiên thày không nhận ra được mình đã gặp nàng ở nơi chốn nào. Năm người đi đón thày đều là người Việt. Họ vừa líu ríu theo chân thày vừa kể cho thày nghe những sinh hoạt ở Mỹ. Ông Đoàn, người trong ban chấp hành của chùa, tường trình ngay:
- Thưa Neten Rinpoche, vì còn một vài trục trặc về giấy tờ, hiện tại chùa chưa thể xin được để thày có thể thành thường trú dân tại đây. Nhưng chúng con xin được visa, thày có thể ở tại Mỹ sáu tháng. Trong khoảng thời gian này, chúng con sẽ cố gắng xin thẻ xanh cho thày.
- Được. Chuyện ở lại còn tùy có đủ nhân duyên không. Tôi hy vọng trong thời gian ở đây, mọi sự sẽ tốt đẹp...

Con đường từ phi trường về chùa cũng khá xa, mọi người nói chuyện ríu rít. Nhưng nàng chỉ dõi mắt ra ngoài cửa kính xe, nhìn dòng xe cộ chảy ngược xuôi, tuyệt nhiên nàng chẳng nói lên lời nào. Hình như nàng cũng chẳng chú ý gì tới vị thày cho lắm. Ông ta trông còn quá trẻ - nàng nghĩ - chẳng biết sự tu chứng của ông tới đâu...

Những tuần lễ kế tiếp, Neten Rinpoche ban một loạt những buổi lễ quán đảnh. Tín chúng đi dự rất đông. Vì người thông dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ đi xa, nên tình cờ nàng lại được bầu làm thông dịch viên tạm thời trong khi chờ đợi. Nàng rất sung sướng vì được lựa chọn, đồng thời thật hãnh diện, vì từ hồi nào tới giờ, nàng chưa bao giờ làm được một việc gì hữu ích cho ai. Nay, tự dưng nàng lại được đề cử và nhất là được thân cận với một vị đại đạo sư đầy đủ phẩm hạnh, chẳng ít nhiều gì nàng cũng cảm thấy mình rất quan trọng ..

Trong việc thông dịch, thày dành rất nhiều thời gian để giải thích thêm những danh từ Phật học nàng chưa hiểu rõ, nên nàng thường dành một ít giờ trước buổi lễ, hay những buổi giảng lên gặp riêng thày, tóm tắt ghi chép những gì thày muốn giảng. Tuy chưa làm thông dịch viên bao giờ, đôi khi gặp những danh từ chuyên môn làm nàng lúng túng, nhưng vì có được một kiến thức rất khá về Đại thừa, và nhờ sự kiên nhẫn của Neten Rinpoche, cộng với lòng mong học hỏi, trí thông minh, chịu khó của nàng nên cũng hiểu được ít nhiều những gì thày muốn nói.

Tình thân giữa Thày, trò ngày càng đậm. Khác với ý niệm đầu tiên nàng gặp Neten Rinpoche tại phi trường. Ngược lại, nàng nhận ra rằng, cái ông thày này thật đáng nể. Ông có thể đọc suốt được tư tưởng của người đối diện. Hơn thế nữa, hình như ông có thể nhìn thấy được một vài điều của quá khứ và tương lai. Nhưng chẳng bao giờ ông nói, các nhóm đệ tử biết được đều do sự tình cờ rồi họ kháo nhau thêm, từ một thành mười, từ mười thành trăm, tô điểm vị thày mình thêm huyền hoặc... Nàng bắt đầu tâm phục, khẩu phục vị sư trẻ này. Lối hành xử của nàng cũng tỏ vẻ tôn kính và yêu mến thày hơn.

Một buổi sáng. Trong sân chùa ngập nắng, thày Neten thấy nàng mặc chiếc áo dài Á đông bước vào cổng chùa, khuôn mặt rạng rỡ... Nhìn thoáng, thày có cảm tưởng nàng chính là vạt nắng đầu ngày, thày thấy lòng rung động, bàng hoàng, cảm nhận pháp giới này không phải một, cũng không phải khác, nó thật chập trùng biến hiện. Có phải chăng, người thiếu nữ kia đang "biến" thành vạt nắng hòa nhập với bản thể nhất như của vạn pháp? Thày nghiêng tâm nghe lòng mình rung động, rồi với sự phản xạ máy móc của nghiệp dư còn đọng lại trong tâm, thày vội vã bước ra sân "đón" lấy vạt nắng ấy. Cả hai nhìn nhau. Kỳ diệu thay, thày có cảm giác mình cũng biến thành ánh nắng chan hòa, hợp với vạt nắng vừa xuất hiện thành nhất thể như nước hòa với sữa. Trong phút giây mầu nhiệm ấy, ngôn ngữ quả là "bất khả ngôn thuyết"... Hình như người nữ cũng cùng trong một tâm trạng ngây ngất ấy. Nàng thốt lên với một giọng tràn đầy xúc động:
- Thày ơi…
Nàng loạng choạng muốn té quỵ, thân người mảnh mai như muốn đổ ập về phía Neten. Bằng một phản xạ tự nhiên, máy móc, thày Neten vội đưa tay ra đỡ. Cùng lúc thày cũng đủ tỉnh thức để lùi lại một vài bước, tránh cho toàn thân nàng dựa hẳn vào mình, giọng thày lấy lại bình tĩnh, hỏi khẽ:
- Chị có sao không?
Thiếu nữ ấp úng:
- Không...không. ..!! Bỗng dưng..., con chỉ... thấy... một niềm... cảm động tới muốn... bật khóc...
Vì sự tự trọng. Nàng cũng vội vã lùi lại làm cho thân mình bị mất thăng bằng, lảo đảo. Hai bàn tay dơ ra gần chạm nhau lại bị vội vã rụt về. Cả hai đứng nhìn nhau trong suốt chiều sâu của tâm thức. Hốt nhiên, Neten Rinpoche đọc được trong ánh mắt nàng cả một khung trời vừa sụp đổ, trong đó cưu mang một nỗi đau đớn tận cùng của của sự thất vọng và yêu thương...

Sau buổi sáng hôm ấy, phong tư của Neten Rinpoche hình như không có gì thay đổi. Nhưng nếu để ý kỹ, trong những hành động và cách cư xử - tuy kín đáo - nhưng thày cũng dành cho nàng một sự chăm lo đặc biệt hơn, cùng với lòng bi mẫn như lúc nào cũng phủ chụp xuống nàng. Thày vẫn gặp nàng trước những giờ thuyết pháp. Nhưng có lẽ thày tránh không muốn gặp riêng nàng ở bất cứ chỗ nào trong chùa. Còn riêng nàng, gần như một huyền lực của nghiệp cũ đã chín mùi. Dần dà, nàng bỗng nhận ra một điều "khủng khiếp", nàng không thể sống thiếu thày, nàng bỗng thấy mình có một nhu cầu rất cần thiết mỗi ngày là phải được gặp thày, phải nhìn thày, nghe thày nói, ngắm thày cười, hay chẳng cần làm gì, chỉ cần phục dưới chân thày nghe thày lần tràng hạt với những câu chú như một chuỗi âm thanh dính liền nhau không dứt. Tệ hơn nữa, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, nàng khởi tâm muốn "chiếm hữu" thày cho riêng mình, cảm giác chiếm hữu ấy mạnh tới độ nàng nàng cảm thấy rất khó chịu và ghen tức khi thấy thày nói chuyện vui vẻ với những người khác. Những lúc như vậy, tâm nàng thật bồn chồn, không yên và cực kỳ đau khổ. Biết điều đó là xấu, nhưng nàng thực không thể cưỡng nổi sự ghen tuông.

Một hôm lên chùa sớm, định vào chào thày thì nàng đã thấy có một chị Phật tử khác đang trong phòng trò chuyện, chẳng biết chị nói chuyện gì mà nàng nghe tiếng thày cười hòa với tiếng cười ròn rã của chị. Buồn bã, nàng ra ngoài sau hè ngồi khóc. Khóc chán, nàng lại thò đầu vô xem chị Phật tử nói chuyện xong chưa. Vẫn thấy chị ngồi thụp dưới chân thày nói cười vui vẻ. Nàng thấy tim mình quặt thắt lại. Nàng cũng thấy mình thật vô lý khi cứ quẩn quanh trong một ngõ cụt như thế. Trong lúc này, hình như những giáo lý của Phật mà nàng học hỏi từ bao lâu, cứ chảy trôi theo dòng nước mắt, chẳng giúp được gì cho nàng mấy đỗi...

Nhưng nỗi buồn không hẳn mãi mãi sẽ là. Nó chính là "mặt bên kia" của niềm vui. Đôi khi nàng được thày cho tham gia vào công việc của chùa, như việc tô những bức tượng Phật. Thật lạ, chẳng hiểu những tượng Phật đó ở đâu ra mà đầy cả bàn. Mỗi bức cao khoảng một tấc, đủ các vị Phật với những thế ngồi khác nhau. Nàng ngồi xà xuống và hỏi thày với giọng đầy khích động và ngạc nhiên:
- Ôi chao... Tượng Phật ở đâu nhiều thế. Cho con tô với nhé?
Vị thày ngước nhìn người thiếu nữ đọc được tất cả sự khích động trên đôi mắt ngây thơ của nàng, thày cười:
- Được! Nhưng chị tô có khéo không? Tô tượng cũng là một hình thức thiền định và quán tưởng. Lại nữa, có một vài chỗ phải rất cẩn thận, không được tô lem nhem, nhất là điểm nhãn Phật thì lại càng phải khéo léo lắm!
Sợ thày đổi ý. Nàng nói ngay:
- Con làm được mà! Nàng sung sướng vô cùng khi được ngồi bên thày như thế. Ban đầu thày cho nàng tô những phần dễ, thấy nàng tô khéo, thày cho tô phần tóc (một chút xíu phần trên trán, nơi đó nếu không khéo sẽ bị lem qua vương miện trên đầu). Nàng thích nhất ngồi tô thân thể Phật một màu vàng ròng. Tô lớp đầu không thấy vàng mấy, nhưng nếu kiên nhẫn tô lên từng lớp chồng nhau, đợi lớp này khô, lại tô thêm lớp mới cho đến khi có một mầu vàng óng đẹp như một khối vàng thật. Nàng thích tới độ mê mải làm mãi tới gần bảy giờ tối mới chịu về. Trước khi về, nàng khoe với thày "công trình" mình vừa làm cả ngày. Một tượng Phật Thích Ca, một tượng của ngài Quán Âm. Cả hai tượng đều có một màu vàng óng trông rất đẹp mắt...

Niềm hạnh phúc của nàng bị cắt đứt khi người thông dịch viên cũ trở về. Nàng không còn có cơ hội gần gụi thày nữa. Nàng nhớ thày, sự nhớ nhung kỳ quặc đến độ nàng cảm thấy hổ thẹn và mặc cảm, nghĩ rằng, mình chính là con ma nữ đến quấy rối người tu hành. Lòng nàng luôn luôn cảm thấy đau khổ và buồn sầu. Đau khổ vì biết rằng, tình yêu (nếu có) của mình chính là một tình yêu bệnh hoạn và mù quáng vì nó đã đặt không đúng chỗ. Buồn sầu khi biết chắc rằng mình đã chẳng ít nhiều gì cũng đang tạo những nghiệp xấu, ác... Vì sự mặc cảm ấy, nàng thường có thái độ tránh né và không dám đến gần thầy nữa. Nhưng vì lòng nhung nhớ cứ dâng đầy, nên chẳng bao giờ nàng bỏ một thời thuyết pháp nào cả .

*

Một buổi chiều, sự nhớ thương gần như không còn chịu đựng được nữa. Nàng lang thang xuống phố, mua ba cành hoa Lilly trắng đem lên chùa dâng thày. Cảnh chùa vắng vẻ, nàng bước vào với nhịp tim đập thình thịch trong lòng ngực. Nàng ôm chặt ba cành hoa trước ngực như một sự chở che, ngăn cấm mình phạm tội. Các thày nhỏ chắc đang ở sân sau chùa trồng tỉa, chỉ còn lại Neten Rinpoche ngồi trong một phòng cạnh chánh điện đang tô các tượng Phật. Nàng bước vào với một thái độ của một kẻ phạm trọng tội, mặt người nữ tái xanh, rụt rè và lắp bắp:
- Con đem... dâng thầy mấy... cành hoa... Lilly... trắng...
Neten Rinpoche ngẩng lên, ánh mắt từ bi như thấy suốt được tâm tư nàng, thong thả đáp:
- Thật tuyệt diệu. Ta đang đợi chị đến... (Rồi ngắm nhìn ba đóa hoa trắng nuốt, đôi mắt lung linh, hoan hỷ, thày tiếp). Mấy đóa hoa mới đẹp làm sao!!. Chị hãy cắm vào bình dâng lên lễ Phật. Sau quay lại đây, ta muốn cho chị coi cái này...

Thiếu nữ líu ríu làm theo như một mệnh lệnh. Cắm những cành hoa trắng vào bình, xì xụp lạy trước những tượng Phật đang ngồi trên bệ thờ rất trang nghiêm. Chẳng hiểu sao lúc đó nàng cảm thấy xúc động lạ kỳ và nước mắt cứ tuôn như mưa...

Nàng phải đợi một lúc cho tâm lắng đọng mới dám bước qua phòng bên gặp Neten. Thày nhìn nàng chăm chú. Như người đã biết rõ được vấn đề, nhưng vẫn cứ hỏi:
- Chắc chị đang gặp chuyện... khó khăn?
Chỉ chờ có thế, nàng òa lên, nức nở:
- Phải. Xin thày ban bình an cho con...
Vị thày thở dài. Nhìn người nữ một đỗi rồi nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của nàng dịu dàng bảo:
- Có những điều ta cần phải nên buông bỏ thì sự khổ đau mới chấm dứt...
Vừa nói đến đó, Neten buông tay nàng, dùng cả hai bàn tay mình ôm lấy khuôn mặt người nữ, (dưới dạng hình thức ban phép lành), rồi thày cúi xuống, thấp dần...thấp dần... cho tới khi trán của Neten đụng lên trán nàng...

Do sự gia trì của vị đạo sư. Mọi sự như được hiển bày trước mắt. Nàng nhìn thấy rõ trong một kiếp quá khứ nào đó của chính nàng. Hình ảnh người nữ đang đứng với chiếc áo cánh trắng mong manh. Trên tay cầm ba cành hoa Lilly mầu trắng nuốt. Sau lưng nàng là một khung cửa chói lòa ánh nắng với vườn hoa muôn sắc. Đối diện là chồng nàng, họ đang trao nhau những ánh mắt thương yêu. Người nữ đặt ba cành hoa lên ngực người nam nhìn chàng say đắm nói khẽ qua hơi thở:
- Anh ạ. Em nguyện sẽ đời đời kiếp kiếp được làm vợ anh và được hạnh phúc như thế này mãi mãi...
Đôi mắt người nữ ngước lên long lanh. Mùi hoa Lilly thơm ngát đâu đây...

*

Vị đạo sư buông tay, rời trán mình khỏi trán nữ nhân. Nàng xúc động tới độ bật khóc. Nàng nhớ lại tất cả như chuyện mới xảy ra hôm qua. Tim nàng run run như con chim non bị lạnh. Giọng đạo sư trầm trầm:
- Đã vài đời, vài kiếp, chúng ta từng là vợ chồng và rất sung sướng, hạnh phúc, đã từng được làm thân người, thân chư thiên, nhẫn đến có được những thân vi diệu trên từng trời Phạm Thiên và đã từng hưởng tất cả những sung sướng của cõi nhân gian này... Dẫu vậy, chúng cũng chẳng đem lại hữu ích gì mấy đỗi.
Ngược lại, chúng ta cũng đã từng nhiều đời, nhiều kiếp - do sự vô minh, tham ái - mà phải chịu mang thân ngạ quỷ, súc sanh, nhẫn đến ở trong những địa ngục nóng, lạnh để phải chìm nổi trong luân hồi và thọ nhận tất cả những khổ đau. Nay, cơ may trở lại được thân người, tôi lại được gặp em, dẫu trong một hoàn cảnh hoàn toàn đổi khác, nhưng đó cũng là cơ may cho chúng ta gỡ những nghiệp quả từ kiếp trước. Sao em không nhân cơ hội có được thân người hiếm quý này tu tập cầu giải thoát? Sao cứ phải cam chịu loanh quanh trong luân hồi tạo thêm ác nghiệp? Hạnh Phúc ư? Thế nào là Hạnh phúc? Nếu lấy cái Hạnh phúc của trần gian này để làm niềm vui thì cái niềm vui ấy thật bọt bèo, dễ vỡ...

Vị đạo sư đứng lên. Ông mở tung cánh cửa sổ trông ra vườn. Nắng vẫn còn lung linh trên những đóa cúc vàng hắt lên những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn. Ánh sáng bên ngoài tràn vào căn phòng bắt đầu tối làm thành một viền sáng quanh thân ông. Ông quay nhìn người thiếu nữ vẫn còn đầm đìa nước mắt thong thả nói rõ từng tiếng:
- Phải. Em vẫn còn vướng với tôi một lời nguyện ước. Thảo nào lần đầu tiên gặp em ở phi trường, tôi đã nhận ra được nét thân quen. Nhưng thực tâm tôi không muốn đòi, bởi mọi sự đều đã thay đổi. Tôi đang đi trên con đường tìm kiếm chân Hạnh phúc cho mình và cho người. Trong tôi, vẫn có tình yêu dành cho em, nhưng tình yêu tôi nay không còn ngừng trên một đối tượng, mà là trên toàn thể pháp giới... Từ sau buổi sáng tôi đón em như một "vạt nắng sân chùa", em luôn luôn hiện hữu trong tôi, là một điểm sáng, một sự thanh khiết, cao quý nhất. Em đi cả vào trong những buổi cầu nguyện của tôi. Tôi luôn nguyện em cũng sẽ đạt được chân Hạnh Phúc ấy. Muốn vậy, em nên xả bỏ tất cả. Có những điều ta cần phải nên buông bỏ thì sự khổ đau mới thực sự chấm dứt...

Thiếu nữ òa khóc. Nàng nghe trong tim một sự rạn vỡ... Trong cơn đau đớn tận cùng, nàng cảm nhận được tình yêu rộng lớn của vị đạo sư dành cho mình. Nàng hiểu rất rõ rằng nàng không còn một một sự chọn lựa nào khác. Người chồng năm xưa nay đã đổi hướng đi, không còn muốn đi chung với nàng trên con đường xưa cũ, mà ở đó, Hạnh Phúc hay Đau Khổ đều tùy thuộc vào sự vô thường, bèo bọt của kiếp người. Nay, nàng cũng phải thay đổi, nàng phải đi tận cùng nỗi khổ đau để vươn lên, để có thể trở thành một "giải nắng thênh thang". Nơi ấy, nàng sẽ gặp chàng ở đó...

CHIÊU HOÀNG

Wednesday, December 28, 2011

NỔI NHỚ MANG THEO

Nỗi nhớ mang theo


Những giòng này viết riêng cho lớp 12 A1, niên khóa 78-80 và riêng cho một người với hy vọng Đại hội Nguyễn Trãi thế giới  năm 2012 sẽ mang hộ tôi lời nhắn: Dù thời gian có cuốn đi tuổi thanh xuân, nhưng tuổi học trò thơ ngây của năm 16, 17 vẫn còn trong tâm thức mỗi khi nghĩ đến

 Tôi nhớ về trường cũ nhớ bạn bè ngày xưa. Sân trường áo trắng nơi ôm ấp mộng mơ, hoài bão, xôn xao tuổi ô mai...  Hơn ba mươi năm chưa một lần trở về trường. Cánh cổng ố vàng mỗi ngày dang tay đón lũ học trò tinh nghịch. Dãy lớp học với hành lang dài, từng vuông cửa nhìn ra sân trường ngập nắng và đâu đây tiếng guốc khua vang trên những bậc thang dẫn vào lớp học, đã trở về làm sống lại kỷ niệm êm ái, ngọt ngào trong khuôn viên trường Trung học Nguyễn Trãi dấu yêu.

Mười lăm tuổi tôi rời trường Trung học cấp I Nguyễn Khoái (ngôi trường công lập dành cho nữ sinh trong quận 4, từ lớp 6 đến lớp 9), lo lắng bỡ ngỡ bước chân vào trường cấp III  Nguyễn Trãi, nơi tôi sẽ học chung với cả nam sinh suốt 3 năm. Những trò chơi thắt vạt áo dài lên lưng quần đá cầu, nhảy dây ,chơi u … tự nhiên biến mất, để cho đôi mắt bắt đầu nhìn ngắm, làm quen với khuôn viên trường mới kèm thoáng lo âu dù vẫn còn nhóm bạn cũ được xếp vào cùng lớp. Tôi chọn dãy bàn thứ hai, bên tay trái đối diện bàn của thầy cô. Tôi học không xuất sắc lắm nhưng không đến nỗi tệ phải nép mình nơi xóm “nhà lá”. Dãy bàn bên kia chiến tuyến là nhóm húi cua, một nhóm “bắc kỳ”, hay ồn ào chọc phá, đã mấy lần làm cho tôi muốn khóc. Riêng có một người ít nói, đi học bao giờ cũng tươm tất, phù hiệu, áo bỏ vô quần hẳn hoi. Lớn hơn các bạn gần hai tuồi, cách hành xử khôn khéo thông minh của anh đã chinh phục mọi người để cả hai nhóm nhà lá quậy phá và nhóm cần cù chăm học lại gần với nhau. Bạn bè học cùng lớp, dù không nói ra nhưng bọn con gái chúng tôi ngấm ngầm cho rằng mình thông minh, già dặn hơn đám con trai chung lớp, nên đâu có chuyện gọi bằng anh. Vậy mà với trưởng lớp Huỳnh Tấn Linh tự nhiên mọi luật lệ đều thay đổi hết. Tôi tự nhiên cho mình là cô em út, có thêm một ông anh trong lớp học càng vui. Thỉnh thỏang tôi vẫn bị anh “lên lớp“ mỗi lần cúp cua giờ tập thể dục toàn trường. Thời đó, trước giờ ra chơi  tất cả học sinh phải  xuống sân trường tập 24 động tác thư giãn theo tiếng đếm trên loa phóng thanh. Tôi cho là dị hợm nên không thích, viện đủ lý do để ở lại lớp ngắm mây trời để rồi tình cờ quen với anh chàng học bên ban toán. Có lẽ ở nhà bao nhiêu giấy trắng Th. gom hết đóng thành tập thơ, vẽ những nàng tiên, vẽ ánh trăng 16, và mỗi ngày nắn nót viết một bài thơ của những thi sĩ mà Th. thích, đem qua lớp học tặng tôi. Dưới mỗi bài thơ, tôi ghi lại những ý nghĩ lém lỉnh, tinh nghịch nhưng không kém phần mơ mộng vu vơ. Tôi hỏi Th. mê thơ sao học toán? Th. nói vẫn mê toán nhưng cảm ơn tôi đã mang thơ vào trường Nguyễn Trãi. Tựu trường vào tháng 9, đến cuối năm thì mấy chị phát giác tập thơ giấy trắng học trò, nói tôi còn nhỏ nên chú tâm vào việc học thay vì mất nhiều thời giờ qua lại vẩn vơ với “tên nhóc” chưa biết làm thơ, chỉ chép lại thơ của người ta gởi cho tôi. Vậy mà tôi nghe lời các chị, mang tập thơ chép tay trả lại Th. Tôi nhớ hoài giờ chơi hôm đó Th. sai đứa bạn thân mang lá thư “đoạn tuyệt tình bạn năm 16“ trao tôi. Giờ nghĩ lại đúng là con nít thật. Giá như Th. cứ giả ngơ tiếp tục chép thơ gởi cho tôi, biết đâu tôi sẽ tiếp tục nhận mà không thèm “khai báo” với chị tôi. Từ đó không bao giờ tôi còn gặp mặt người bạn “tuổi hoa tím” ngày xưa nữa. Sáu năm sau, trong ngày cuối tháng 6/1983  có người lạ mang đến nhà trao cho tôi món quà lưu niệm, kèm lời chúc tôi lên đường rời quê hương may mắn, bình an. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc làm sao Th. biết tôi đi Mỹ với chừng ấy năm không liên lạc? Hành lý đã gởi trước, tôi không mang theo được món quà,  đành tặng lại cho cô em họ. Dường như những mẩu đối thoại ngắn ngủi ngoài cửa lớp, những bài thơ ngày cũ chỉ gợi trong tôi một thoáng buồn vu vơ của tuổi trăng tròn 16, làm đẹp thêm thời trung học, rồi như ánh trăng tan…

Tuổi hồn nhiên không vấn vương lâu, nhất là ngồi trong lớp học tưng bừng văn nghệ. Nhờ cây đàn guitar của anh Linh và Mạnh Cường mà ba dãy bàn từ nhà ngói đến nhà lá thương nhau hết biết. Anh Linh bao che cho xấp nhỏ đóng kín cửa lớp hát “nhạc vàng”, nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An ...Trong nhóm có ba người cùng tuổi, cùng tên là: Phạm Duy Vân Hồng, Nguyễn thị Thu Hồng A dành cho tôi, phân biệt với Nguyễn thị Thu Hồng B. Còn có Bích Nga, Kim Tuyết cùng mê hát, bỏ cả ăn quà vặt vào giờ ra chơi nên đứa nào cũng gầy nhom!
Mỗi lần thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt, anh Linh lại bận rộn chia nhóm cho cả lớp học thi, đi thuyết phục nhóm nhà lá gắng lên để cả lớp không ai bị ở lại. Nhà đứa nào cũng nghèo rớt mùng tơi, nên chỉ với vài trái cóc ngâm, mấy viên xí muội của ông anh mang tới là đủ rơm rả buổi học. Cuối năm học cả lớp kéo nhau đi Thảo Cầm Viên, có anh Linh vác đàn theo. Sau mùa hè năm lớp 11, nhóm tôi đã mất Thu Hồng B- đóa hoa rực rỡ, xinh tươi nhất. 17 tuổi, tôi ngấm nỗi đau mất bạn. Cả nhóm lần đầu tiên cùng khóc bên nhau, tiễn đưa người bạn gái ra đi quá sớm. Cây đàn bị bỏ quên trong góc lớp, không có tiếng hát nào trong giờ ra chơi từ lúc mất Hồng B. Anh Linh có lần ký đầu tôi nhắc nhở, muà hè cuối rồi đó nhỏ …

Tôi bắt đầu mơ nếu biết đàn, đêm đêm tôi sẽ vừa đàn vừa hát hay đàn cho chị L. tôi hát nhạc TCS. Tôi bèn nhờ Trọng - cũng học NT trước tôi hai lớp, là đứa em con của dì tôi. Sau khi Trọng giúp mua đàn, tôi tự nhủ sẽ cố học đàn cho bằng được. kèm theo cây đàn là quyển sách Tự học Tây ban cầm “bảy ngày, bảy đêm bảo đảm biết đàn”! Chị L. tôi cười như chưa bao giờ, trong khi tôi tràn trề hy vong. Mới khảy được 3 hôm … Ba tôi từ xa đi làm về, nhìn thấy cây đàn trong xó bếp bèn mang ra đập vỡ tan tành. Những giọt nước mắt của tôi ngày ấy  có làm cho ba tôi xa xót, chạnh lòng, nhưng ông vẩn giữ thái độ cứng rắn để ngăn ngừa, như đã từng làm với các anh chị lớn của tôi ngày trước.
Hai cây phượng ở sân trường bắt đầu đỏ ối. Tôi giật mình, đã 3 năm học ở trường Nguyễn Trãi rồi ư? Nhớ khi rời trường Nguyễn Khoái tôi giống như cánh diều bị đứt dây, chao đảo, hoang mang như bị rớt xuống nơi chốn chẳng an toàn vì có “con trai“.  Ba năm học trôi nhanh với bao kỷ niệm khó quên. Lũ con gái chúng tôi đã được anh Linh, Mạnh Cường, Hải Chi, Linh Hồng, Hoàn Cầu và nhiều nhiều nữa những người bạn húi cua luôn chiều chuộng đám con gái ngồi chung lớp. Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, tôi được xếp qua thi ở trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày thi đầu sau khi nộp bài cho ban giám khảo tôi bị “xỉu “ vì học suốt đêm và lo lắng không ăn uống nổi. Gục đầu xuống bàn, tôi tủi thân quá đỗi vì bên cạnh chẳng có ai quen. Đến lúc gượng dậy đi về, lếch thếch dắt xe ra cổng, gặp Mạnh Cường, tôi òa khóc, làm anh chàng hoảng hốt “Thu Hồng A sao vậy ? cần Mạnh Cường giúp gì không ? ’’. Chân của MC có tật từ lúc nhỏ, đi đứng không thăng bằng, vậy mà một tay dắt xe đạp của mình, tay kia Cường dắt xe tôi rồi đón xích lô cho tôi về nhà. Anh em chúng tôi cùng lớp thương quý nhau như vậy đó, làm sao tôi có thể quên.

Thời gian vụt trôi nhanh, anh em chúng tôi tứ tán phân ly.  Đứa lên rừng, đứa ra biển, đứa trôi dạt xứ người, đứa ở lại sống đời ảm đạm nhưng tình thương cho nhau vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Bên nhà dù bận rộn thế nào, Tết đến cả nhóm vẫn họp mặt ở nhà Bích Nga và mỗi năm đi du lịch chung với nhau một lần (có ông bầu Trần Huỳnh Hải Chi lo phần du lịch). Bây giờ ai cũng bầu đoàn thê tử, chỉ có Lan Hương vẫn độc thân nên được cả nhà chiều chuộng. Bích Nga trên phone vẫn vui vẻ, hồn nhiên như mới hôm qua. “ Về thăm VN đi Hồng A! Lớp mình vui lắm, duy chỉ anh Linh là tội nhất. Nhà nghèo, mùa mưa nước dâng lên tận đầu gối, nhưng vẫn tươi cười, hóm hỉnh, lạc quan. Vẫn còn đó người anh tận tụy của thời đi học, cả bọn mình phải ráng lo cho anh ấy, bù lại ngày xưa cả lớp làm khổ ảnh, đúng không ?”

Nổi trôi, phiêu bạt hơn 30 năm, giờ tôi đã tìm ra đường về lớp cũ trường xưa. Không bằng những chuyến bay, nhưng bằng tình thương vượt không gian lẫn thòi gian. Cảm ơn Mạnh Cường và Anh Linh vẫn còn giữ lại những hình ảnh cũ, có gương mặt má phính xấu tệ thuở mười sáu của Thu Hồng A thuở đó.

Thu Hồng (NT78-80)    

CÁNH CHIM BIỂN



Gần hết đời người, đợi cho tứ thân mõi mòn tôi mới nghĩ tới môn thể thao hoàn hảo nhất cho  cơ thể về chiều của chính mình : swimming! Dù không gian mỗi sáng sớm ngoài công viên vẫn còn quyến rũ,gọi mời đôi chân chạy quanh bờ hồ nhanh chậm tùy theo giòng nhạc trong chiếc máy tí hon theo tôi đã  hơn hai mươi  năm.Mùa hè vừa trở lại,tôi năn nỉ chàng dạy bơi sau mỗi buổi chiều tan sở,hơn hai tuần boot camp uống không biết bao nhiêu ngụm nước chlorine đắng ngắt (có hôm ứ hơi,bỏ cả buổi ăn tối ) tôi bắt đầu bì bõm float trên mặt nước,nhóc con Tommy tinh nghịch trêu mẹ :If mommy still come there, one more week swimming pool will be half empty! Bơi chưa giống ai,nhưng đồ phụ tùng thì đầy một túi xách! Hàng số trên cái cân bắt đầu chuyển dần sang bên trái cho tôi chút niềm vui nho nhỏ.Những cơn nắng chói chan bắt đầu dịu dần là lúc hồ bơi trong subdivision đóng cửa,tôi nằm dài than thở nhớ “nước non’’!
Chàng bảo nếu thấy bơi có kết quả và làm cho em yêu đời thì ghi danh work out ở gym vậy! REALLY? Tôi không tin những điều chàng vừa thốt ra,mấy mươi năm ròng rả,một đường thẳng tắp cố định từ nhà đến chổ làm và từ chổ làm về nhà “ Anh hả ! em ra xe giờ chuẩn bị đi về .15 phút nửa gặp nha! ‘’. Cuối tuần muốn đi cắt tóc chàng chở đi, đi nha sĩ, đi chợ, đi chùa hay bất cứ đi đâu cũng một tay chàng chở đi và chờ đợi … bao nhiêu cái chủ nhật tôi thèm khát được đi shopping một mình,không nhất thiết phải mua sắm,chỉ là đi dạo,tung tăng chân sáo như ngày xưa theo mấy chị đi dạo phố TựDo ngày nào,thèm một chút không gian của riêng mình …tuyệt nhiên không hề có từ thuở “theo chàng về dinh‘’.Thở thật sâu,một mình tôi khăn gói tới Gym buổi chiều thứ sáu trên đường đi làm về, đóng tiền membership liền một lúc cho ba năm! Chẳng thiết tha orientation gì ráo,tôi ngập ngừng bối rối bước vô gian sơn mới mẽ.Hình ảnh đầu tiên chạm phải là khu locker cho phe ta,bao năm đóng cửa ở nhà kín đáo giờ nhìn mấy bà xẩm mủm mĩm tự nhiện thay đổi xim y làm tôi ngượng ngùng đỏ mặt,băng qua cánh cửa locker là hồ bơi indoor dài mênh mông bất tận, trong cảnh tranh tối tranh sáng của ánh nắng chiều yếu ớt xuyên qua khung kính dọc hồ bơi, tôi quấn vội chiếc khăn lông lớn ngang eo bước vô steam room, chọn cho mình một chổ ngồi an toàn ở góc phải,nhắm mắt theo dõi hơi thở của chính mình,phải đợi gần 50 tuổi tôi mới biết relax và tận hưởng giây phút của riêng mình, tạm thời gát lại tất cả mọi chuyện trong ngày! Tôi thầm nhủ hít vô mĩm môi cười ,thở ra xóa bỏ trăm ngàn phiền muộn…
            “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa..’’
Bước ra khỏi steam room nhìn xuống hồ bơi trước mặt, chưa biết sẽ phải làm gì khi chẳng còn một lane nào trống!
    Are you vietnamese? ( Tôi giật mình bối rối ,trong đầu tính toán thật nhanh nếu đã tới nơi này thì đây là “me time’’tôi cần một mình, không muốn bất cứ ai quấy nhiểu lôi thôi,hay là… nói tôi người tàu gì gi đó cho xong!) Nhưng đôi mắt,giọng nói …không hiểu sao tôi mở miệng trả lời bằng tiếng Việt của mình, chỉ có vậy và người ta nhường cho tôi private lane.Giòng nước cuốn lấy thân thể tôi lạnh buốt,không một người quen bên cạnh,tôi run rẩy ôn lại trong đầu làm cách nào để giữ được thăng bằng cho tư tưởng ,hơi thở ,hai cánh tay và đôi chân nhịp nhàng …rẻ nước đưa tôi về phiá bên kia bờ hồ.Ngay lúc này tất cả vạn vật chung quanh không là gì ngoài những vệt sáng trên đỉnh đầu và những đường gạch thẳng băng dưới đáy hồ,tôi không còn thấy buồn và  lạc lõng ! Mỗi cái xoải  tay đưa lên là từng cơn sóng nhỏ ôm ấp ,vỗ về ,tôi muốn bơi nhanh ,nhanh hơn nửa để một thoáng giây nào đó tôi mơ tưởng mình thoát thai thành cánh chim hải âu bay bổng trên nền trời xanh mướt , không khổ đau ,dằn vặt ,muộn phiền …
“Bay đi cánh chim biển hiền lành,chẳng còn giấc mơ nào để giữ đôi chân em, chẳng còn tiếng nói nào để trách cứ em, khi mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ …giấc mơ của em là cánh chim hãi âu, bay đi khỏi tầm tay, và tiếng sóng ….”
Tiềm thức chợt quay về cõi đen tốt mịt mù ,tôi thấy mình như chiếc lá khô rời cành,bay bay trong gió đến bên bờ vực thẳm, tiếp tục thả mình chìm xuống vực sâu, hoang vu xám ngắt, đầy dẫy mời mọc của sự chết! Tôi lại ngạc nhiên sửng sờ biết  trong tuyệt vọng,buông xuôi là nổi kinh hoàng muốn vựt dậy, những ngón tay gầy guột đưa lên chới với …tôi đang ở đâu? Bên kia bờ đại dương, quê hương tôi với hình cong yểu điệu chữ S, đường phố Sài Gòn Cô bé 16 mặc áo dài  lụa trắng, chân mang guốc mộc, trái tim tràn ngập ước mơ  ôm sách vở đến trường trên đường phố thân thương, quen thuộc ngày nào bổng một ngày tất cả đều tan biến, chết tức tưởi nửa vời ở đất nước xa xôi ...Biết bao lần tôi tự hỏi mình là ai? Bổng một ngày chen chân trên phố xá xa lạ, việc làm, cơm áo, đời sống ào ạt tàn nhẩn cuốn trôi hết mơ mộng như những cơn thác lũ, tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn còn tồn tại, vẫn là con bé Việt Nam da vàng, mũi xẹp…đã surviced sau 10 vòng bơi đầu tiên đang ngồi khép chân, lưng thẳng, mắt nhắm nghiền trong phòng sauna, hồn đang đuổi theo những cánh chim hải âu và tiếng sóng ….
Một tuần, rồi hai tuần .. tôi, cô bé thỏ đế âm thầm biến mất khỏi phòng gym từ hôm đầu tiên lạc lỏng giữa rừng người xa lạ trong buổi chiều vàng, thay vào đó mỗi 5 giờ sáng có thêm một cái tên rất vn check-in đầu ngày, không phải chờ đợi, mỗi bước đi mở ra không gian huyền diệu,tôi với hồ bơi vắng vẻ, 20 laps qua nhanh dễ dàng không một chút guilty (với tinh thần võ sỉ, đương nhiên phải nhường lane cho ai đó nếu họ đang chờ đợi ! ) một cõi riêng rất hiếm hoi trong không khí tĩnh lặng của sauna đang chuyển mình đón chào ngày mới, trở về nhà khi phố xá vẫn còn ngái ngủ, còn nguyên buổi sáng cho Tommy! Trong ngăn tim bắt đầu có thêm  đoản khúc yêu đời, yêu người! Cuối tuần lễ thứ hai tôi như chiếc máy run-out batteries mỗi khi chiều tới do thiếu ngủ! Tôi tự hỏi chính mình đã có đủ tự tin và energy để quay về” chốn cũ lao xao ‘’?
Mùa Thu đến rồi đi, ở đây không rừng phong đỏ ối, không lá đổi màu cho ai ai thổn thức. tôi đã tìm được chính tôi, trong giấc ngũ vùi nửa đoạn đời đi qua, ngỡ mộng mơ, đam mê, yêu thương đã chết từ bao giờ …bổng một ngày thức dậy! Buổi sáng thứ năm, bình thường như những thứ năm trong tuần lễ, ghé thăm hai chị yêu dấu trước khi đi làm, rất vô tình chủ đề nhạy cảm nhất  “ tình yêu lứa đôi, cho và nhận, gia đình và hạnh phúc, ích kỷ và lồng son … !”.Trái tim tôi,  nhỏ bé tội nghiệp không còn đường chạy trốn đã òa vở theo những giòng nước mắt rơi nhanh xuống mắt môi ...Hạnh phúc là gì? Nếu mỗi ngày qua đi ta chỉ còn một lựa chọn :sống vì người? Che dấu nổi cô đơn ,lạc lõng phía sau nụ cười héo hắt cho đến bao giờ? Bao giờ thì người đồng hành bên cạnh thấu hiểu nổi khát khao đợi chờ chút đổi thay? Giấc ngủ trong rừng mơ …tôi thấy đôi mắt, nụ cười và hai bàn tay đan lấy những ước mơ vụn vỡ! Hạnh phúc như những đợt sóng thần hân hoan đến vội và rút đi để lại trăm ngàn dấu vết thương đau, từ bao giờ tôi bắt đầu làm bạn với bóng đêm, nghe tiếng côn trùng, tiếng gió hú giữa đêm về sáng, căn phòng nhỏ du dương tiếng nhạc ban ngày là clinic săn sóc da mặt cho khách, ban đêm là nơi tôi ngồi đọc sách, đan áo, và thả hồn theo The Giver, Room, Gone with the Wind, The Last Lectures, Tuesday with Morries ,One More Day ,…..
“ Mười sáu năm ở đây im lìm, một ngày như mọi ngày …bổng một hôm cánh cửa hồ bơi hé mở có người đàn bà trẻ con  khe khẻ bước đến, nửa như e ấp rụt rè, nửa như quyến rũ, rất Viêt Nam! nhìn xa xa giống như một cậu con trai đẹp gái!  và nhìn gần lại giống như cô em gái đẹp trai! Đến rất tình cờ và bổng nhiên biến mất như sao băng. Vắng t.h. hồ nước bổng lạnh băng Welcome back !’’
 Đối diện là ông già người tàu ,gương mặt tươi sáng, trên môi luôn nở nụ cười dễ thương như grandpa, tôi hỏi năm nay ông được bao nhiêu tuổi, vẫn cười đùa thân thiện trả lời“ so many years ..I forgot how old I  am !’’ Người bạn bên cạnh chợt tinh nghịch góp phần, đưa tay chỉ sang tôi
“ This is my long lost daughter !‘’
“She look likes you !’’
  Có thật tôi giống ông bố bất đắc dĩ  đang ngồi bên cạnh không nhỉ? để xem: vẫn là tóc đen nhưng muối bắt đầu pha với  tiêu, không hói! mũi cao, mắt hai mí, gương mặt sáng sủa dể nhìn, nhưng khó đoán được tuổi, cùng có giọng nói nam pha tí bắc, không làm cho người bên cạnh khó chịu với những câu nói pha trò dí dõm. Một buổi chiều nào đó ông bạn già bổng có ý nghĩ lạ lùng :“ Mấy mươi năm ở bên này chưa từng gặp bất cứ ai thâm trầm, cuốn hút, thông minh, lém lĩnh nhưng vẫn còn giữ được phong cách của người đàn bà Á Đông …nhưng đừng quá lo sợ, anh  đã program cho trái tim runs by batteries …we are safe here! All I could see is a tomboy T.H and me, a happy gay guy !’’ Tôi đã bật cười hồn nhiên với ý tưởng ngộ nghĩnh ấy .
“Đã trót sinh ra làm kiếp con người là khổ lụy đeo mang! Hãy vui với những gì đang có, đừng tham lam đòi hỏi nhiều hơn những thứ đang nắm giữ trong tay …tình cảm, tiền tài, danh vọng chỉ làm cho con người thêm khổ đau thất vọng !’’ Lời nói sao giống như của thiền sư Nhất Hạnh. Và còn khai  thêm tuổi thật “ Cái tuổi năm mươi chín dễ ĐI XA lắm, khi nào thấy vắng bóng vài ngày t.h. nhớ đọc báo vn ở mục cáo phó để biết ông bạn già đã ngủ yên nhé ‘’ Tôi lém lĩnh trả lời “ Khổ nổi t,h  không đọc báo vn và cũng chẳng biết ông bạn già con cái nhà ai …”Chen lẫn giữa những lời nói cười đùa vô thưởng, vô phạt là những câu nói thâm thúy nhẹ nhàng của một ông anh người nam từng trãi…. chứng kiến bao nổi mất mát,  đổi thay, thăng trầm! sao con bé trong tôi vẫn chưa chịu trưởng thành, vẫn còn có những buổi chiều ngồi bó gối trong steam room hai mắt cay nồng không ai hay. Tự hỏi cho đến bao giờ thì thoát bỏ được buồn phiền để mỗi giây phút trôi đi tôi có thể tự tin cười nói , vô tư như những chú cá gold fish chu môi, múa hát hồn nhiên đâu đó .
Cơn gió mùa Đông đang ùa về phố xá, mặt trời đi ngủ sớm, 6 giờ chiều bóng tối đã phủ lấy không gian, mỗi ngày vẫn chừng đó gương mặt chịu khó, chăm chỉ lo cho sức khỏe của chính mình, bốn tháng trôi qua tôi vẫn là người duy nhất bơi lội đồng hành với đôi flippers  (cặp chân vịt, nói theo đúng nghiã bình dân ) tôi tự biết mình không giống ai nhưng chưa đủ can đảm ly khai với đôi flippers thô kệt, cũ kỷ …người ta đến gym thư thái,nhẹ nhàn bao nhiêu, riêng tôi cưu mang đủ thứ đầy một túi xách, nào shampoo, conditioner, body wash, lotion… vì tôi điệu  và khó tính không thích dùng bất cứ thứ gì có sẳn trong club, không thích đi chân trần quanh khu hồ bơi, lại phải quảy thêm đôi dép mỏng, mòn lõm mười dấu ngón chân! Lại có người comment “ Nhìn đôi dép nhỏ nhắn để trên bờ hồ chờ đợi… thấy dễ thương làm sao!’’ Trên đường ra bãi đậu xe,“ Trời ơi bộ dọn hết cái nhà trong túi xách sao mà nhìn nặng dữ vậy cậu em tomboy ?”
 Trăng 16 tròn xoe theo tôi về nhà, mái tóc mới gội còn ướt đẩm, tôi quay kínk xe xuống, muốn đưa tay bắt lấy mặt trăng đem về cất giữ cho riêng mình. Thương quá nhưng bàn tay năm ngón không thần thông, phép lạ, đành chịu thua để trăng đến, rồi trăng lặng lờ biến mất giữa vủ trụ mênh mông …để lại tôi hụt hẩng, đơn độc trên đường về , cho tim bổng nhói đau vụng vở …Một vì sao đã rơi khỏi vủ trụ, trăm ngàn vì sao thảng thốt giữa hư vô, nơi đến, nơi về dường như đều đồng nghĩa là chốn hư vô …



Thursday, April 14, 2011

BUỔI SÁNG MÙA XUÂN

Buổi sáng mùa xuân em ngái ngủ 
Anh hôn vội vàng lên mắt môi ,
Yêu thương nhau mình đâu cần ngôn ngữ 
Anh cần gì phải nói yêu em .
Em mĩm môi cười ,hạnh phúc !
Cảm ơn đời ,cảm ơn người 
Cho em chốn bình yên ...

Một vì sao rơi trong thảng thốt 
Trăm ngàn vì sao hoảng hốt giữa thinh không .
Có thật không ? anh đang nhắm nghiền mắt biếc 
Chưa kịp nói với em ...lời trăn trối dịu dàng ...

Trái đất đang xoay điên đảo ngược vòng 
Giữa thật và mơ như chết lịm hồn em 
Bao nhiêu điều em muốn nói cùng anh 
Hạnh phúc hôm qua ngút ngàn tâm thức 
Cõi vắng hôm nay chiếm ngập hồn em 
Câm nín ,khổ đau làm tim em vụn vở
Mất thật rồi những buổi sáng bình yên ..

Một sớm mùa xuân em thành góa phụ 
Nhan khói hương trầm ,vành tang trắng 
Em cúi lạy anh ,người bạn đời tri kỷ 
Chào tạm biệt nhau trong thương nhớ ngút ngàn
Trả nợ xong kiếp người ,em lại về bên anh 

Ðêm đang dịu dàng bước tới 
Em ngỡ tiếng chân anh đang khẻ trở về 
Một vì sao đêm ngoài khung cửa 
Lung linh ánh sáng gọi mời em 
Một kiếp nhân sinh đã thoát thai 
Hai cõi đi về ,hai cõi tạm 
Mình sẽ gặp nhau ở chốn mơ 
Em lại ôm gối ,cười mắt biếc 
Nói anh nghe bao thương nhớ đong đầy ...

Thương tặng Bích Nga 

Wednesday, October 27, 2010

CHUYỆN CỔ TÍCH DẤU YÊU

         Ngày tháng nơi đây ,phố lạ người đông ,đi giữa giòng xe cộ dập dìu vẫn thấy mình như người khách lạ ,luôn ngóng chờ huyền thoại một chuyến trở về nơi chốn cũ,tìm lại hàng phượng vỷ thân quen,sân trường ,bầy bướm trắng và thấp thoáng đôi bạn nhỏ thuở nọ,nhớquá !chuyện cổ tích ngày xưa !
         Mùa hè 1978.
         Năm em 16 hồn nhiên thơ thới ,bước vào thềm tuổi lớn ,ô-mai ngây thơ ,giấy trắng mực xanh qua những trang nhật ký đầu đời,chị biết được không cho quen với cậu bé "bắc kỳ ,có đạo " học cùng trường khác lớp .Sinh nhật 16 ,chị tặng nhỏ túi xách mới màu xanh da trời và gương lượt để làm dáng.Dẫn nhỏ theo vào chổ làm xa thẳm ,hai chị em chở nhau trên khoảng đường dài 12 cây số(từ Khánh Hội ,băng qua chợ Lớn ,đi về hướng Phú Lâm với những đoạn đường gập ghềnh sỏi đá và chiếc cầu gỗ củ kỷ ,nơi cuối phố là chổ làm của chị mang tên ÐK .Trong văn phòng bé nhỏ ,chị bận bịu sổ sách kế toán và phát lương .Nơi đây cô bé đã bắt gặp đôi mắt tinh nghịch của "anh chàng thủ kho", nam kỳ chính tông ,xứ trầu Bà Ðiểm ".
         Nối tiếp theo nhau như hội hoa đang ,thư đi,thư về như những cánh bướm mùa xuân qua ngăn túi xách của chị ,đơn sơ không chút thương nhớ xa xôi ,nhẹ nhàng như gió với mây ,cô bé mĩm cười đón nhận ,mang theo vào giấc ngủ lời hẹn hò mùa thu tới...
          Tháng chín,gió thu buổi sáng dịu dàng ,mặt trời còn ngái ngủ anh đã có mặt ở góc phố chờ đợi cô bé Lọ Lem từ bao giờ ,vòng tay anh cho buổi sáng ,nắng ấm bắt đầu reo vui theo từng vòng bánh xe .Chiếc xe đạp "court "chở đôi bạn nhỏ băng qua vài góc phố ,nụ hôn vội vàng trên tóc trước giờ vào lớp ,không hẹn nhưng giờ tan học luôn có gã si tình khờ khạo ,kiên nhẩn ,đứng trước cổng chờ ai ...Mùa thu qua nhanh với những nụ cười hồn nhiên bên chị dễ thương ,chị cho cô bé đi cùng khắp nơi với "người lớn " ,xôn xao nơi sân bóng trường đua Phú Thọ ,bánh cuốn Cao Thắng ,kem dừa Boarda,Viện Bảo Tàng ...cho đến Giáng Sinh năm ấy ...
           Mùa Ðông 1978
           Lần đầu được bật đèn xanh ,chị cho ''hai đứa nhỏ "xé rào đi chơi riêng ,Sài Gòn đêm Giáng Sinh 1978 bổng trở nên lạnh buốt ,giòng người như thác lũ ,không chen chân lên nhà thờ Ðức Bà được , đành ngồi ngắm Phố Ðêm ,chờ chị tới đón về ... Năm đó anh 19 tuổi ,cô bé 16 .Ðịnh mệnh nghiệt ngã bắt đầu từ đây mà mình không hề hay biết .
          Mùa Xuân tới ,anh dẫn cô bé Lọ Lem về nhà ra mắt ba mẹ ,cô bạn gái dễ thương ,như đã thân quen từ bao giờ ,cánh cửa tình thương của gia đình anh mở rộng ,nhất là bà mẹ miền nam sao ngọt ngào ,giản dị lạ thường ,phía sau rèm cửa có mấy đôi mắt đen láy của mấy cô cháu gái "muốn nhìn mặt mợ út tương lai ".Anh thương Lọ Lem dại dột ,đánh đổi tất cả để lo cho cô bé từng chút một ,giấc ngủ chưa bao gìờ đầy ,khoảng cách Khánh Hội -Bà Ðiểm giờ đem lại niềm vui cho anh mỗi ngày ,thêm với tính "nhẩn".Cuối tuần nghỉ học không được đưa đón nhau ,anh tìm tới nhà ngồi tiếp chuyện với mẹ và các chị vì Lọ Lem đang bận trên căn gác nhỏ cùng ba tụng kinh "Diệu Pháp Liên Hoa "mỗi buổi tối .Ánh mắt ngạc nhiên của anh ngày ấy khi lần đầu thấy cô bé mặc áo tràng 
lững thững theo sau ba từ trên gác đi xuống ...
           Xuân Hạ Thu Ðông nối tiếp theo nhau mấy mùa ,em vẫn cứ ngây thơ ,khờ khạo đón nhận tình yêu vô điều kiện anh cho ,niềm vui tập tành nhung nhớ,nôn nao đợi chờ .Gia đình Ô- Mai theo nhau từ năm lớp 6 ,giờ có anh xen vô ,mấy nhỏ Thanh Nga ,Ngọc Tuyền và Nguyệt Anh có đôi lúc giận dỗi xa gần ,đã thưa dần họp mặt ,chỉ còn giờ ra chơi là còn khắn khít ,không ai nở làm khó anh,mấy nhỏ tội nghiệp cho anh gầy gò vì đón đưa Lọ Lem khổ sở quá .Hết trung học đến mùa thi vào đại học ,anh lo sợ em mơ mộng xa xôi ,thi hỏng sẽ bị trói chân ở nhà ,hết còn đưa đón ,anh theo dỗ dành sẽ để yên cho em học .Mùa thi tới ,sáu tuần không gặp nhau ,ngổn ngang trăm ngàn ý tưởng cho ngày mai ,mấy đứa bạn hăm hở dự tính cho tương lai mỗi lần học nhóm .Khung cửa mùa thi khép lại ,hơn một nửa lớp xếp sách vở học trò ,thời áo trắng bỏ lại sau lưng  bước vào cuộc đời ô trọc ,nhiểu nhương ,em với nhỏ Tuyền theo nhau vào Sư Phạm ,anh tiếp tục đón đưa ,buổi sáng bên nhau dài hơn chút xíu ,từ cô bé 16 em hóa thân thành Lọ Lem dễ ghét 20 rồi 21 ,hạnh phúc len lõi vào hơi thở ,nhịp đập con tim là lúc thấp thoáng ngày xa nhau ,năm năm đón đưa nhau ,tình yêu anh dành cho Lọ Lem luôn còn đó đong đầy ,không thay đổi .
             Những ngày cuối ở Sài Gòn ,Ba Mẹ cho bầy con gái đi Ðà Lạt,Nha Trang ,Vũng Tàu ,hầu như chuyến đi nào cũng có anh đi cùng ,như để níu kéo thời gian .Buổi tối ngồi bên cạnh mấy chị nghe sóng biển vô tình cuốn hút ,nhìn chiếc bóng anh lẻ loi trên biển vắng ...lòng chợt tan loãng ,rối bời...một ngày rất gần mình mất nhau .Mùng hai Tết anh theo em về quê ngoại lần cuối ,lần trở về này không thấy xôn xao ,vui vẻ như mọi năm ,cố thu vô trí nhớ từng cội hoa trong vườn nhà ông Cố ở Bình Dương ,quê ngoại Mỹ Thạnh ,Bến Cát hiền hòa của mẹ ,cúi đầu chào ai em cũng muốn khóc biết bao giờ sẽ gặp lại .Trong vườn nhà của Dì ,giữa giàn hoa Thiên Lý ,anh ngậm ngùi đỏ mắt "thương em nhiều lắm ,mình sẽ gặp lại nhau bên đó ,chờ anh !".Bàn tay em nhỏ nhắn nằm gọn trong tay anh ,như lời hứa âm thầm ,cúi mặt khi mắt bắt đầu cay xé đôi mi .
                 Tháng 6-1983
                 Giữa lòng phố đông vui nhộn nhịp ,em khóc những giọt nước mắt ngà,ướt đẫm vai áo anh 
em còn nhìn thấy gì ngoài bóng mây chập chùng phía trước ,phố xá Tự Do,vườn hoa Nguyễn Huệ,, nhà thờ Ðức Bà ,chùa Vĩnh Nghiêm ,chùa Xá Lợi ,thư viện Quốc Gia ,vườn trầu Bà Ðiểm...anh đưa em đi thăm lại những nơi mình đã đi qua ,để lại muôn ngàn dấu vết kỷ niệm .Ngày chia tay rồi sẽ tới tháng 6 Sài Gòn tràn ngập những cơn mưa ,ngày vui khép lại sau lưng ,như chuyện cổ tích thần thoại .Ðêm cuối cùng em theo anh cùng chị Thủy ,Phượng ,Hoàng lang thang xuống phố giữa đêm quán cafe nhạt nhòa trong bóng tối bên lề đại lộ Thống Nhất ,tiếng nói cười bổng tắt lịm im lìm...chuyện mình rồi sẽ ra sao ?Ðen tối như những giọt càfê đang nhỏ xuống rụng rời ,tan loãng .
               Suốt đêm không ngủ ,buổi sáng thức dậy như người đang ốm ,dưới nhà ngổn ngang hành lý và tiếng người thân dặn dò nhau lần cuối ,em còn thấy ai đâu ngoài dáng ngồi bất động của anh.Sao anh không nói gì với em hết ?Hai nhỏ Nga ,Tuyền cũng bối rối ,nước mắt vòng quanh "Nhỏ ơi !Bao giờ tụi mình mới gặp lại nhau ?".Tiển em ra phi trường Tân Sơn Nhất ,lòng tan nát rối bời,anh vẫn không nói gì với em ,trong tiếng thúc dục của phi cơ anh xiết tay em đau tê dại "thương em nhiều lắm !".Ðâu ngờ đó là lần cuối  ,nhắm mắt vần còn nghe thấy chập chùng kiếp nhân sinh có đó và mất đó .Anh quay về cuộc sống đọa đầy trong nhung nhớ ,tiếc thương ,hơn 10 lần vượt biển vẫn không thành ,tình thương anh cho em ngút ngàn nhưng vẫn chưa chinh phục được Thượng Ðế,cuối cùng mình mất nhau .Em bên này bước vào vùng trời xa lạ ,khép chặt ước mơ ,hoài bảo,sân trường áo trắng .Bao nhiêu năm mình gìn giữ cho nhau ,tinh yêu tinh khiết không vẩn đục ,bổng một ngày Lọ Lem thuộc về người khác .Khóa kính chuyện mình như những trang cổ tích thần tiên ngày xưa còn bé .
                  Hơn 30 năm thăng trầm ,anh bên đó ,em bên này ,mình vui vầy với hạnh phúc gia đình riêng ,em giờ có thêm cô bạn mới và hai đứa cháu trai dễ thương ,mỗi lần email đều không quên mời gọi "Cô gắng về một chuyến ,bà nội nhắc cô hoài ,mẹ và hai anh em con sẽ lo cho cô lúc về già"
Thời thơ ấu đã đi qua ,tóc đã điểm nhiều sợi bạc ,Sài Gòn bây giờ chắc nhiều đổi thay .còn đâu 30 năm trước đôi bạn nhỏ chở nhau thong dong trong nắng sớm ,cũng như em mắt môi đã mất rồi nét thanh xuân nhưng tình thương dành cho tuổi nhỏ vẫn còn hoài theo năm tháng. 
                
  Tháng Sáu -2010
  Thu Hồng

Tuesday, October 26, 2010

THƯƠNG VỀ TUỔI NHỎ

     Sáng nay đưa con trai bé bỏng đến trường ,hơi thu chớm về một chút lành lạnh trong gió sớm,nàng Thu dịu dàng đang bước khẻ trở lại Houston .Nụ hôn vội vàng của con trai trước khi mở cửa xe ,tung tăng chạy vào lớp ,nhìn theo lòng vui buồn lẫn lộn ,một thoáng nhớ về ngày xưa tuổi nhỏ .
       Ngày đầu tiên đi học của tôi ngộ nghỉnh lắm ,có lẽ mẹ bận với những 10 anh em chúng tôi ,một toa xe lửa dài đăng đảng ,nên với mẹ không còn quan trọng mỗi khi mùa tựu trường đến ,đứa lớn dẫn đứa nhỏ vào trường rồi cũng xong .Năm đó chị Ly học lớp năm ,tôi bở ngỡ theo chị bước vào trường Tiểu Học An Lộc ,Bình Long bắt đầu niên học đầu đời ,niềm xôn xao tắt lịm khi chị ôm tôi vội vàng "em ở đây học với cô giáo mới nha ,chị phải về lớp của chị ,không xa lắm đâu ,chỉ cách khoảng sân chơi này thôi ".Tôi cố không khóc ,nhưng nước mắt như chờ đợi sẳn bao giờ ,muốn chạy theo chị nhưng không dám .
       Bình Long của tôi mùa nắng nóng và bụi đỏ mịt mù ,mùa mưa đất đỏ bùn lầy ,dẻo quẹo .Buổi sáng ba chị em tôi (L,Th,H ) đi bộ trên ngõ lớn ,ngang qua đồn Tiểu Khu Bình Long ,tôi thích những buổi sáng thứ hai đầu tuần ,không hẹn nhưng tất cả mọi người đều ngừng hẳn ở cổng trại Tiểu Khu chào cờ quốc kỳ ,trang trọng lắm ,bài hát Quốc Ca ai cũng thuộc nằm lòng .Trưa tan học ba chị em tôi lại về ngõ tắt hướng về chợ cũ ,ngang qua khu trường nội trú dành cho người thiểu số ,nơi đây có mùi hương khác lạ ,không dể chịu tí nào ,tôi với chị Thủy thường bịt mủi chạy một mạch gần đến chợ cũ ngừng lại thở và chờ chị Ly cùng đám bạn của chị đủng đỉnh đi tới ,bình mực tím có quai đeo trên ngón tay ,về đến nhà thường chỉ còn cái nắp là vậy .
          Những ngày tháng yên lành mất dần theo tiếng súng đại bác vọng về ,mùa hè 1972 chiến tranh khốc liệt thật sự kéo về tỉnh lỵ , Bình Long tan hoang ,đổ nát,mọi người bấn loạn âu lo ,vùng chạy thoát khỏi vòng lửa đạn ,xác người nằm khắp các nẽo đường .Mười tuổi ,tôi chưa đủ lớn để hiểu chiến tranh là gì ,nhưng nhìn mẹ khóc ,anh bị thương và bị người ta bắt vào rừng ,căn nhà ôm ấp tuổi thơ của tôi lùi lại phía sau ...tôi mơ hồ  cảm nhận nổi mất mát ,mất những buổi sáng mù sương theo ba xuống bến xe ,ngồi trong quán xếp ,ngí ngố với ba bên tô hủ tiếu nóng hổi và ly soda chanh đường ,chỉ mình tôi là được diễm phúc đó ,ba trở lại làm việc ,tôi tung tăng chân sáo về nhà ,trên tay có bánh bao đem về cho mẹ .

        Mỗi anh em chúng tôi đều có cách thổ lộ tình thương với ba mẹ khác nhau ,riêng tôi nhỏ bé chẳng làm nên tích sự ,chỉ còn biết quấn quýt bên cạnh ba mẹ ,tôi được theo ba đi khắp nơi ,với hai bàn tay trắng từ sau chiến tranh ba tôi đã nhẩn nại làm lại từ đầu ,không than van trách cứ .Mẹ tôi dịu dàng ,giản dị như bà tiên ,cả đời không son phấn ,luôn tận tụy với chồng con .Bây giờ ngồi nhớ lại ,ngày ấy mẹ còn trẻ lắm ,nhưng có bao giờ mấy chị em tôi thật sự ngồi ngắm mẹ và nhắc với mẹ "mẹ là bà mẹ tuyệt vời của chúng con ".Ở đây ngay giờ phút này ,sống trong khung cảnh mới ,mấy chị em tôi ở vào tuổi 45 tới 60 nhưng đâu ai chịu bới tóc và để mặt trần như mẹ ! Về lại Sài Gòn mấy chị em tôi được tiếp tục đi học trở lại , ba và các anh phải đi làm xa ,mỗi hai tuần mẹ về đi chợ và nấu ăn mang đi về lại Ðịnh Quán ,đường ra Ðà Lạt ,tôi nhỏ bé ,gầy gò nhưng thương mẹ nhọc nhằn quá ,tôi tình nguyện chở mẹ ra bến xe ở tận Hàng Xanh ,khuya 4 giờ hai mẹ con rời nhà ,khi các chị và hai em tôi còn đang ngủ ,chiếc xe đạp đòn dông của Pháp ,(thời ông Cố để lại ) vậy là tôi thồ hai bên hai giỏ đệm to kềnh và chở mẹ ngồi phía sau ,tôi thích phố xá êm đềm giữa khuya ,chỉ tôi và mẹ ,từ Tôn Ðản băng qua Trình Minh Thế,qua đường Trần Hưng Ðạo ,bến Bạch Ðằng ,lên dốc Tự Do ,con dốc này cao quá tôi với mẹ thường phải dắt xe đi bộ lên tới nhà thờ Ðức Bà ,ở đây lúc nào hai mẹ con cũng nhìn thấy cảnh người đàn ông tóc hoa râm đang cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ trang nghiêm ,thành khẩn ,không khi nào vắng mặt .Chở mẹ đi tiếp qua đại lộ Thống Nhất ra tới bến xe hàng xanh trời vẫn còn tối lắm ,tôi bịn rịn mỗi lần chào mẹ khi xe bắt đầu lăn bánh ,tôi ghét chính tôi cái tật mau nước mắt ,mẹ dặn không được chạy về cho đến khi trời sáng hẳn ,mẹ gởi gấm tôi cho bà bán bánh mì ,tự nhiên tôi thành con bé nuôi vài giờ của bà bán bánh mì mỗi hai tuần ,phụ bà chút chút ,lúc về dù không nhận ,bà vẫn dúi cho tôi một khúc bánh mì thịt mang về .Bận về tôi đạp xe vun vút ,nhất là xuống dốc đường Công Lý .

            Chị Ly ra trường bắt đầu đi làm cũng là lúc tôi theo chân chị Thủy vào trường cấp ba Nguyễn Trải ,chị học cách tôi hai lớp ,chị không biết chạy xe đạp ,lại một lần nửa tôi làm tài xế riêng của chị ,mỗi lần học nhóm hay họp mặt bạn bè ở đâu cũng có tôi theo cùng .kỷ niệm nhớ nhất với chị Thủy mỗi lần nhắc lại tôi với chị đều mĩm môi cười :cuối tuần tôi chở chị lên Bưu Ðiện ở khu nhà thờ Ðức Bà gửi thư cho chị Danh và mua tem thư mới,tôi mê mấy gian hàng văn hóa phẩm và thiệp Xuân phía trước khuôn viên bưu điện .Hôm đó gần Tết ,phố xá đông nghẹt người ,đến đèn đỏ ,trước khi quẹo lên dốc Tự Do ,chờ đoàn người đi qua tôi đạp xe thong dong lên dốc ,có lẽ trời đẹp ,gần Tết gió xuân dịu dàng và phố xá reo vui ,ngỡ mình đang vui nên chở chị bổng nhẹ tênh ,tôi cười nói huyên thuyên ....lên đến bưu điện ,nhìn lại chẳng thấy bà chị yêu dấu đâu cả ! chết thật ,hóa ra suốt con dốc dài tôi đã cười nói một mình ,thiên hạ chạy song song chắc tưởng tôi điên ...chị lên tới hai má đỏ bừng (vì cuốc bộ mỏi nhừ chân guốc !) "Trời ơi ,chị kêu đến khan tiếng mà nhỏ cứ đạp xe vù vù lên dốc ,lại còn huyên thuyên cười nói không giống ai hết ". Thích nhất buổi tối cuối tuần tôi chở chị đi ăn kem dừa Duy Tân ,hay càfe Cao Thắng với chị Ngọc Ðiệp ,người bạn thân nhất của chị Thủy ,học cùng lớp ,chị Ðiệp đúng là mẩu người lý tưởng ,xinh xắn ,duyên dáng dễ thương ,chỉ cần nghe chị líu lo giọng Bắc ai cũng thấy vui lây .Ðêm cuối cùng tôi chở chị Thủy đi gặp chị Ðiệp  trước khi chị Ðiệp vượt biên ,ba chị em ôm nhau ,hẹn gặp lại bên Mỹ ...nhưng chị Dzoãn Ngọc Ðiệp đã thất hứa với chị em tôi ,khi thân xác chị mãi mãi ở lại trên vùng đảo Philippine,ngày làm lễ phát tang của chị ở chùa Xá Lợi chị em tôi xót xa ,thương nhớ bạn khôn cùng . Ðiều ngộ nghĩnh hai chị học cùng lớp ,rất thân nhau nhưng 30 năm sau những người ra trường cùng khóa không ai nhận biết chị tôi ,cho đến khi chị nhắc ,chị là bạn thân của DNÐ !
         Những năm học ở trường Nguyễn Trải tôi được hai chị cưng lắm ,áo dài trắng bị xếp vào ngăn tủ từ năm 1978 ,khác hẳn với thời gian của các anh chị trước đó ,tôi đi học với quần áo thời trang do chị Ly design ,vẽ kiểu và cắt may ,chị Thủy cặm cụi từng mủi kim ,thêu mẫu hoa văn lên áo cho tôi mặc.Thấp thoáng năm 16 tôi nhận được những bài thơ dễ thương của Ðinh Hùng và Nguyễn Bính do một người âm thầm sưu tầm ,gởi tặng trong tập thơ học trò ,dĩ nhiên đã không qua mắt được hai chị dấu yêu của tôi ! Lớp học ngày ấy vui lắm,tôi được Thầy Tuyên dạy điạ lý cưng nhất lớp ,tất cả những quyển tập của tôi khi ra trường thầy đều giữ lại . Trong lớp tôi có H.M.Cường thông minh nhưng lười ghi chép sử ký nhất ,có hôm Thầy Hanh đã gọi Cường lên trả bài ,Cường vội vàng mượn quyển tập của tôi mang lên cho Thầy chấm ,nhìn nét chữ Thầy biết tỏng của ai ,lần đó thầy phạt hết hai đứa ,oan cho tôi cái tội bao che ! Thầu Nhơn dạy môn Lý Hóa hiền như Bụt ,nhóm tiểu tử trong lớp thường làm khó thầy luôn ,có lẻ vì Thầy còn quá trẻ nên nhóm nga mi thích phá Thầy .Ngày đầu tiên đi học ở Nguyễn Trải tôi có cô bạn "sinh đôi "cùng cả tên lẫn họ và tên lót ,cả hai đều cắt tóc như nhau ,tôi có thêm chữ A và bạn tôi chữ B đi sau ,hai đứa đều mê hát với Hoàng Mạnh Cường đàn guita ( một hôm nghe mấy chị nhắc đến tên anh HMC trong cựu học sinh NT ,tôi cứ ngỡ nằm mơ gặp lại bạn học cũ ,nhưng chỉ là sự tình cờ trùng tên một lần nửa ).Hè năm lớp 11 ,B buồn tình bỏ cuộc chơi ,cả trường xôn xao ,lẫn lộn không biết tôi hay B tự tử ,cho đến tựu trường trở lại .Tôi thương B khờ khạo quá ,ai lại kết liễu đời mình cho những chuyện tình học trò không đoạn kết 
        Gia đình "Ô- Mai "thời trung học ,theo nhau từ năm lớp 6 ở trường Nguyễn Khoái sang đến cấp lll Nguyễn Trải ,dù bị chia ra khác lớp,nhưng Ô Mai vẫn gắn bó bên nhau ,lần sinh nhật 20 của tôi ,cả nhóm kéo nhau đi ăn bò biá ở khu trường Gia Long ,trên đường trở lại phố tôi bị thổi phạt vì chạy xe gắn máy mà còn để bạn hiền níu vai chạy ké theo ! Chờ hai nhỏ bạn chạy về nhà lấy giấy chủ quyền xe ,tôi ở lại ngồi xuống lề đường nhìn lá me bay ,lòng buồn héo hắt ,anh chàng công an có lẽ thấy tội nghiệp nên cho đi ,nhưng thời đó không phone ,không text message...đành bó gối ngồi chờ khi bóng chiều xuống nhanh ...Lần đó tôi bị mẹ la ,con gái mà không dịu dàng chút nào hết !
          Ba mươi năm sau ,tình cờ nhìn lại ,thời gian có lúc như ngừng thoáng giây ,kịp ngậm ngùi nhớ lại một nửa kia ,thuở thần tiên tuổi nhỏ ,để mĩm môi cười ,hay cay mắt nhớ lại bạn bè xưa cũ...Cảm ơn mái trường Nguyễn Trải dấu yêu ,một thời ấp ủ mộng mơ và cảm ơn  Nguyễn Trải hôm nay tình thân không biên giới.
        
 Mùa Thu 2010
 Thu Hồng  

Saturday, October 23, 2010

THIÊN THU NHỚ MẸ

        Cúi lạy hương linh mẹ với thương nhớ ngút ngàn ,dù ở chốn nào giữa sân chùa thênh thang lộng gió,nghĩa trang buồn hắt hiu ,hay thinh không tĩnh lặng con như còn nghe thấy hơi thở ,tiếng nói dịu dàng của mẹ ở quanh đây ,còn biết bao điều con muốn nói cùng mẹ ,bài học thương yêu mẹ cho riêng mỗi đứa bước vào đời như còn thơm mùi mực mới hôm qua .


       Chúng con mất mẹ đúng một trăm ngày ! Như giấc mơ, mới hôm nào con còn hảnh diện chia xẻ tình thương của mẹ với người thân và bạn bè ,trong trái tim con ,mẹ là bà Tiên xinh đẹp , dịu dàng ,là thiên sứ tình yêu ,có ai một lần gặp mẹ mà không thương ? Bây gìờ gần năm mươi tuổi đầu ,con bổng thành đứa trẻ mồ côi ! Hết rồi những buổi sáng chạy sang líu lo ,vòng tay ôm mẹ : "Ðêm qua mẹ ngủ có ngon không ? " Nhìn chiếc mũi của mẹ nhăn lại mỗi lần bị mấy cô con gái ép ăn oatmeal thấy thương quá ,nụ hôn trên má mẹ cho đem theo đi làm mỗi sáng sớm thơm thơm mùi dầu nóng ,mùi thuốc tây ,con ghiền từ lúc nào không hay .
       Chiều nay nắng tắt ở cuối chân trời ,sửa lại viên đá cuối cùng ,con chuẩn bị đi về đây ...thương nhớ mẹ vô cùng ,nơi đây mẹ hay ngồi nhặt từng chiếc lá khô,mái tóc bạc trắng như hoa cau ,bàn tay gầy guột của mẹ ,nụ cười phúc hậu như bà tiên ,con ôm mẹ không biết bao ngàn lần mà giờ vẫn còn chưa đủ ...Nghiệp duyên mẹ đã trả xong ,hãy thanh thảng trở về chốn an lạc ,thoát khỏi kiếp sinh ,tử  luân hồi ,không còn khổ đau và bịnh tật ,mẹ đừng quyến luyến ,thương xót chúng con người ở lại .           
         Gần hết đời người anh em chúng con bổng chốc hụt hẩng thiếu vắng tình thương của ba mẹ hết rồi mùa xuân may áo mới theo mẹ đi chùa ,bầy tiểu nử quấn quýt chao lượn như những cánh bướm bên mẹ hiền  mấy ngày xuân .Mùng một Tết tim vở ,hụt hẩng bước theo mẹ ra khỏi nhà thương ,không phải về nhà ,nhưng lo đám tang cho mẹ ,ngồi xếp khăn tang bên mấy chị ,con dặn lòng không khóc ,nhưng nước mắt vẫn chực chờ tràn lên mi .Buổi chiều mấy anh em ngồi trong thư viện chùa Việt Nam nghe thầy chỉ dạy những điều cần phải làm trong những ngày sắp tới ,ngoài kia nắng xuân phơi phới ,nhưng con thấy lòng mình trống vắng ,chết lịm ,niềm vui còn có mẹ đã hết rồi từ nay .
        Mười tuổi con chợt nhận biết mẹ đẹp như bà tiên dù không son phấn ,chỉ đơn giản với mái tóc bới gọn phía sau ,trái tim mẹ bao la ,dang rộng chở che từng ngày cho chúng con an lành ,dù bao lần chiến tranh tàn phá ,luân lạc ,khổ đau ,mẹ kiên nhẩn chịu đựng lạ thường .Làm sao con có thể quên trong đêm chạy loạn chiến tranh mùa hè đỏ lửa năm ấy ,xác người nằm ngổn ngang trên phố ,tiếng đại bác giao tranh ,mẹ nắm tay con với em Th ,không biết bao lần mẹ đem sinh mạng mình chở che cho chúng con ,Rời bỏ tỉnh lỵ Bình Long sau thời gian ngắn ở tạm trại tiếp cư Phú Văn ,nhà mình đành chia ra hai nẽo ,con theo hai chị đi Rừng Lá tiếp tục học  (Không quên cảm ơn Thầy Cô đã đánh đổi ,hy sinh ở lại theo lũ học sinh nghèo ,lặn lội ra đến Rừng Lá tiếp tục dạy học với thiếu thốn tiện nghi ,thay vì về dạy ở thành phố lớn )Mẹ theo ba và các anh đi căn cứ 6 vào rừng chở tre .Ở bên hai chị , con không thiếu những ngày vui nhưng vẫn nhớ mẹ da diết ,nhất là lần bị té ,chân trái bị thương bởi cọc sắt giữa các dãy lều ,thiếu bàn tay dịu dàng của mẹ ,vết thương không chịu lành ,con khóc tỉ tê suốt tuần ,vậy là cuối tuần hai chỉ phải cho con ra nhỏng nhẻo với ba mẹ .Giếng nước cạn không đủ xài ,mỗi khuya mẹ phải ra ngồi chờ ,ánh trăng vằn vặt giữa núi đồi bao la ,ngồi bên cạnh mẹ ,con khờ khạo ước ao "giá như khuya nào cũng được ngồi đây ngắm trăng ,đếm sao và không phải "chia mẹ " với ai thì vui biết mấy " ! Chiều chủ nhật ba dắt con ra đón xe về lại với các chị ,con lại mè nheo ,nước mắt vắng dài .
          1974 ba mẹ đưa mấy chị em về Sài Gòn ,bắt đầu niên học mới giữa phố xá xa lạ ,mẹ vẫn theo ba cùng các anh đi làm xa ,thời gian gần mẹ càng hiếm hoi hơn ,con chỉ mong hè tới để tha hồ gần ba mẹ .Con tập chạy xe đạp đúng năm 12 tuổi ,mẹ là người vui mừng vỗ tay khi con thôi không bị té ,chị Th nhát hơn nên thôi cuộc sớm ,chị không có được cái cảm giác giữ thăng bằng ,cho xe chạy xuống triền dốc .môi cười hả hê ,tít mắt cho đến khi ...bất chợt bị "lọt ổ gà" té lăn cù ,mắc cở đến đỏ mặt .tiá tai ,chỉ thầm mong không ai nhìn thấy ! Ðường Tôn Ðản về đêm hàng quán tấp nập ,bầy con gái của mẹ mê ăn quà vặt ,nhưng nhát giống mẹ ,không bao giờ dám ngồi lê ở bất cứ hàng quán nào ,mê nhất chuối nếp nướng ,nước dừa ,chè đậu trắng và cocktail ...vậy là sai thằng cháu xách giỏ đi mua hộ cho mấy cô .
         Năm con mười sáu tuổi ,ba mẹ mới thôi không đi làm xa ,cũng là lúc con bắt đầu mơ mộng ,bớt quấn quýt bên mẹ hơn ,con có niềm vui mới nhưng vẫn dành làm tài xế riêng cho mẹ,vẫn thích đi chùa với ba mẹ ,sáng chủ nhật trời mát ba thích chạy xe đạp tà tà sang tận Tịnh Xá Phú Lâm (cách Khánh Hội 12 cây số ) con chở mẹ với chiếc gắn máy pc ,trưa về nắng đổ lửa ,ba thương" con gái rượu"cho con cơ hội tập thể dục cho có eo thon ,đổi lại  con hiên ngang soắn vạt áo dài lên, đạp xe bận về ,không quên gởi theo nụ hôn gió lém lĩnh cho ba .
           Gần ba mưoi năm nhìn lại ,bầy con gái của ba mẹ không ai ép uổng ,tự nguyện đi lấy chồng ,tự nguyện tiếc rẻ thời vàng son ,nhất là những lúc mẹ đau yếu ,phải chi không vướng bận chồng con ,mấy chị em sẽ về quanh quẩn bên ba mẹ chắc là vui lắm .Ba thanh thảng trút bỏ bụi trần ,nhẹ nhàn không vướng bận .Tội nghiệp mẹ lẻ loi trong căn nhà nhỏ ,với mẹ kỷ niệm khó phai nhòa ,không dễ rời xa ,phải bao lần thuyết phục mẹ mới chịu về với mấy chị em ,lần đầu con có cơ hội được đón mẹ về ,nửa năm được ở nhà gần với mẹ ngày đêm ,con vui như bắt được vàng ,lòng mẹ thương con vô bờ bến ,mẹ ở với đứa này thì nóng ruột cho đứa kia ,ngày đưa mẹ về ở với út ,không xa lắm chỉ cách vài con đường ,nhưng vẫn làm cho con hụt hẩng như vừa bị đánh mất điều gì vô giá ,đúng rồi con không được ích kỷ ,giử mẹ một mình cho chính con ,mẹ có những 10 anh em chúng con cơ mà .mỗi lần đi bất cứ nơi nào có mẹ ,đều cho cảm giác "con là người hạnh phúc và giàu có tình thương của mẹ nhất thế giới ".
            Hôm mẹ mất ,thầy dạy không được khóc ,hãy để cho mẹ ra đi nhẹ nhàn ,nuốt những giọt nước mắt lúc nào cũng chực chờ rơi xuống má ,con cúi đầu lạy mẹ với muôn vàn tiếc nhớ thương yêu ,thấm nhuần nổi đau mất mẹ .Bất cứ hình ảnh nào vô tình đến trong tầm mắt đều làm cho con tủi thân và nhớ mẹ .Những ngày sắp tới rồi sẽ đổi thay ,Mùa Xuân thôi khoe áo mới ,Mùa Hạ không còn đẩy xe lăn đưa mẹ đến chùa dự lễ An Cư Kiết Hạ ,Mùa Thu Vu Lan báo hiếu không còn được lạy tạ ơn mẹ với hoa hồng cài áo ,Mùa Ðông xót xa khi mẹ than thở đau nhức khắp người và cả những buổi sáng ngắn ngủi ghé qua thăm mẹ trước khi đi làm ...
           Mẹ ơi ,con thèm được ngã đầu bên vai mẹ ,không cần phải nói một lời nào cũng cảm nhận bên mẹ cả đời con êm đềm ,hạnh phúc biết bao .
            Thiên thu nhớ mẹ
             Tháng 5-2010